Thế nào là “lục phủ ngũ tạng” khỏe mạnh?

“Lục phủ ngũ tạng” là cụm từ rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Tuy nhiên liệu có bao nhiêu người hiểu được “lục phủ ngũ tạng” là gì và làm thế nào để chúng luôn khỏe mạnh?

“Lục phủ ngũ tạng” là gì?

Người xưa hay có câu “lục phủ ngũ tạng” dùng để chỉ các bộ phận quan trọng, giúp duy trì sự sống trong cơ thể con người.

“Ngũ tạng” là 5 bộ phận chứa đựng và chuyển hóa nằm ở trên toàn bộ cơ thể, bao gồm Tâm, Can, Tỳ, Phế, Cật.

  • Tâm ý chỉ tim
  • Can ý chỉ gan
  • Tỳ ý chỉ lá lách
  • Phế ý chỉ phổi
  • Cật ý chỉ thận

Còn “lục phủ” bao gồm 6 bộ phận chính cấu thành nên hệ tiêu hóa và bài tiết, chính là Vị, Đởm, Tam Tiêu, Bàng Quang, Tiểu Trường, và Đại Trường.

  • Vị ý chỉ dạ dày
  • Đởm ý chỉ mật
  • Tam tiêu ý chỉ thượng tiêu, trung tiêu, và hạ tiêu. Thượng tiêu là phần cuống họng trở lên, trung tiêu là phần giữa của dạ dày, và hạ tiêu phần cuống dưới của dạ dày.
  • Bàng quang ý chỉ bọng đái
  • Tiểu Trường ý chỉ ruột non
  • Đại Trường ý chỉ ruột già

Làm thế nào để biết “ngũ tạng” đang gặp vấn đề?

  • Tâm (Tim)

Một trái tim có khỏe mạnh hay không có thể được nhận biết dễ dàng nhất thông qua nhịp tim. Nhịp tim bình thường trong lúc nghỉ ngơi của người trưởng thành là vào khoảng 60-100 nhịp/phút. Còn đối với trẻ em là 70-100 nhịp/phút. Nếu nhịp tim của bạn rơi vào mức 80 nhịp/phút, bạn có nguy cơ mắc các bệnh như là tiểu đường, béo phì, và bệnh về tim.

Ngoài ra, sẽ có một số dấu hiệu khác cho thấy tim không khỏe mạnh, như là đau vùng ngực bên trái, khó thở, hoa mắt chóng mặt, huyết áp cao, mệt mỏi, và hay ngủ vào ban ngày.

  • Can (Gan)

Gan là bộ phận quan trọng nhất trong tất cả những cơ quan hỗ trợ cho hệ tiêu hóa và giữ trọng trách rất lớn trong lục phủ ngũ tạng. Không có gan, cơ thể sẽ rất dễ nhiễm độc và không có sức mạnh chống lại bệnh tật gây ra do ăn uống. Lá gan đang trong tình trạng bệnh sẽ cho thấy rất nhiều dấu hiệu, điển hình như là:

– Vàng da, vàng mắt, ngứa ngày trên da

– Chán ăn, ăn không tiêu, ăn không ngon

– Lòng bàn tay và các đầu ngón tay đỏ giống như đánh phấn

– Dễ bị sưng tấy các khớp, đặc biệt là phần mắt cá chân và các ngón chân

  • Tỳ (lá lách)

Lá lách là một bộ phận được khá ít người biết đến và thậm chí còn không thể xác định được vị trí của nó trên cơ thể. Tuy nhiên, lá lách lại giữ vai trò khá quan trọng, giúp hỗ trợ hấp thu chất dinh dưỡng và miễn dịch cho cơ thể. Bạn sẽ nhận thấy lá lách đang kêu cứu khi:

– Mệt mỏi, đổ mồ hôi, hay chảy nước mắt

– Ăn nhiều mà vẫn không tăng cân

– Tiêu chảy hoặc táo bón

– Đau phần bụng ở trên bên trái và đôi khi lan tới cả vùng vai bên trái

– Dễ bị chảy máu tay chân, nhiễm trùng

  • Phế (phổi)

Phổi là cơ quan nằm ở vị trí cao nhất trong ngũ tạng và khá dễ bị tổn thương bởi các tác nhân trực tiếp đến từ bên ngoài. Để nhận biết phổi đang gặp vấn đề, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:

– Thở hổn hển, khò khè, đặc biệt là khi phải vận động cơ thể

– Ho khan, ho liên tục trong thời gian dài

– Da xanh xao, thiếu sức sống do phổi không thu nạp đủ oxy

– Hay mất tập trung, suy nghĩ kém

  • Cật (thận)

Thận luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Khi thận kêu cứu, chất thải không được bài tiết sẽ lắng đọng trong cơ thể, sinh ra nhiều dấu hiệu đáng ngại, như là:

– Đau vùng lưng phía dưới xương sườn và đau vùng hông

– Nước tiểu nhiễm mỡ

– Trong nước tiểu có máu và nhiều bọt

– Tiểu nhiều lần

– Tay chân phù nề

– Ngứa trên da và nổi phát ban

Làm thế nào để biết “lục phủ” đang gặp vấn đề?

  • Vị (Dạ dày) và Tam Tiêu

Vị và Tam Tiêu đều nằm ở vùng bụng và có sự liên hệ mật thiết với nhau, nên những biểu hiện khi nhiễm bệnh cũng sẽ liên quan tới nhau. Những biểu hiện ấy thông thường sẽ là:

– Đầy bụng

– Ợ chua

– Đau rát dạ dày

– Chán ăn, suy nhược

– Buồn nôn

– Sụt cân không rõ lý do

  • Đởm (Mật)

Trong “lục phủ,” túi mật đóng vai trò tiết dịch mật và chuyển sang cho ruột non để tiêu hóa thức ăn. Khi trong mật chứa quá nhiều cholesterol hoặc các thành phần chính trong dịch mật lắng đọng bất thường, hiện tượng sỏi mật sẽ xảy ra. Từ đó gây viêm nhiễm cho túi mật. Bạn có thể nhận biết những vấn đề này thông qua rất nhiều dấu hiệu:

– Đau đến quặn thắt ở vùng hông dưới bên phải. Cơn đau có thể lan đến cả vùng lưng và ngực.

– Da vàng và mắt vàng

– Hay buồn nôn sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn nhiều dầu mỡ

– Đôi lúc cảm thấy ớn lạnh

– Phân có màu nhạt

  • Bàng quang (Bọng đái)

Có đến 90% những người mắc bệnh về bàng quang là nữ giới. Nguyên do là vì niệu đạo của nữ giới khá ngắn, nên vi khuẩn có thể dễ dàng xâm chiếm toàn bộ và gây viêm nhiễm. Có một số triệu chứng bạn sẽ thường gặp khi mắc bệnh về bàng quang, đó là:

– Nước tiểu có lẫn máu và mùi hôi

– Tiểu buốt, tiểu dắt

– Tiểu nhiều lần

– Đau quặn bụng dưới

– Đau ở hai bên lưng hoặc ở giữa lưng

  • Tiểu trường (Ruột non)

Đây chính là nơi mà thức ăn được phân tách cấu trúc và biến thành acid amin, acid béo, và glycerol để cơ thể có thể hấp thụ được. Ruột non cũng là nơi vô cùng nhạy cảm với thức ăn nên bạn sẽ nhận biết được ngay các vấn đề bất ổn thông qua các dấu hiệu:

– Đau quặn vùng giữa bụng

– Tiêu chảy

– Sốt cao

– Mất nước

– Buồn nôn và nôn

– Chuột rút

  • Đại trường (Ruột già)

Ruột già chính là bộ phận cuối cùng trong hệ tiêu hóa. Bộ phận này có chức năng phân hủy phần thức ăn không được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng thành bã, kết hợp cùng các vi khuẩn trong đường ruột để tạo thành phân. Nhờ đó, bạn có thể nhận biết được ruột già mắc bệnh thông qua các dấu hiệu:

– Đại tiện ra máu và phân có mùi tanh

– Đau rát hậu môn khi đại tiện

– Căng tức bụng và đau quặn bụng

– Sút cân nhanh, cơ thể mệt mỏi

Bài viết liên quan

0982.083.928